Đấng Lạ Lùng

ĐẤNG LẠ LÙNG 
(Bài nầy có xuất bản thành sách nhỏ và có ghi âm vào CD, cùng tựa bài)
Quý vị có thể download lời đọc (audio file) ở link sau đây:
http://www.mediafire.com/?j5i20ihk5810m

Đây là quyển sách nhỏ chứng đạo, trong quyển nầy có những bài ngắn nói về: 
 
- Đấng lạ lùng
- Làm lành lánh dữ
- Nguyễn Du
- Mùa Xuân
- Điều phước vô cùng

LỜI NÓI ÐẦU
Kính thưa quý vị,
                Chắc hẳn quý vị đã từng đọc những bài viết nói về những việc lạ lùng hay những người lạ lùng, nhưng những sự lạ lùng đó chỉ có giới hạn mà thôi.
                Hôm nay tôi kính mời quý vị đọc những bài viết ngắn sau đây, không những nói về Một Ðấng Lạ Lùng mà còn nói về những công việc lạ lùng mà Ðấng đó đã làm.
                Kính chúc Quý Ðộc giả được niềm vui khi đọc những bài viết nầy và nhất là quý vị sẽ nhận thấy được tình yêu cứu rỗi cao quý mà Ðấng Lạ Lùng đang dành cho quý vị.
Mục sư Trần Hữu Thành.
msthanh18@hotmail.com
ÐẤNG LẠ LÙNG
                Cách đây hơn 2700 năm, ông Ê-sai được Thượng Ðế ban cho sự khôn ngoan để nói tiên tri. Ông nói tiên tri như sau: “Sẽ có một Con Trẻ sanh cho chúng ta, tức là một Con Trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ đặt trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Ðấng Lạ lùng, là Ðấng Mưu luận, là Ðức Chúa Trời quyền năng, là Cha đời đời, là Chúa Bình an.” (Kinh thánh Ê-sai 9:6)
                Kể từ ngày đó, suốt 700 năm nhân loại trông đợi Con Trẻ được dự ngôn là “Ðấng Lạ Lùng” sẽ ra đời. Cho đến một ngày, cách đây hơn hai nghìn năm, Ðấng Lạ lùng đã được ban cho nhân loại.
              Lạ lùng thay, Ngài đã sanh ra không phải do thông lệ thông thường như mọi người. Mọi người đều được sanh ra bởi cha mẹ của mình. Nhưng Ngài đã được sanh ra bởi một người nữ đồng trinh, nghĩa là người nữ nầy chưa bao giờ nhận biết một người nam nào, nhưng nàng lại mang thai. Chính nàng cũng khó tin điều nầy có thể xảy ra, nhưng vị thiên sứ từ trời hiện đến giải thích cho nàng biết rằng: “Ðức Thánh Linh sẽ đến trên cô, và quyền phép Ðấng Rất Cao sẽ che phủ cô dưới bóng mình, cho nên Con thánh sanh ra, phải xưng là Con Ðức Chúa Trời.” (Kinh thánh Lu-ca 1:35). Người nữ vâng phục thánh ý Ðức Chúa Trời và sau đó, nàng đã sanh Con Trẻ trong một làng chỉ bé nhỏ cô quạnh tên là Bết-lê-hem. Nhưng lạ lùng thay, ngày sinh của Ngài đã chia dòng thời gian của nhân loại ra làm hai và được gọi là Trước Công nguyên và Sau Công nguyên. Hiện nay cả thế giới mỗi năm đều kỷ niệm sinh nhật của Ngài.
                Như Thiên sứ từ trời đã phán, Ngài là Con Ðức Chúa Trời. Thế thì Ngài là Ðấng giàu có tột đỉnh trên Nước Trời; nhưng lạ lùng thay Ngài lại chịu trở nên nghèo nàn vô cùng trên trái đất. Ngài rất nghèo đến nỗi khi sanh ra, Ngài không có chiếc giường để đặt lưng, Ngài phải nằm nhờ trong một máng cỏ ở chuồng chiên của một người không bà con thân thích.
             Khi đi giảng Ðạo Cứu rỗi của Ðức Chúa Trời, có lần Ngài muốn đãi cho đoàn dân một bữa ăn, nhưng Ngài không có gì để đãi họ. Ngài đã phải nhờ 5 cái  bánh và 2 con cá của một em bé (Xem Kinh thánh Giăng 6:9).
             Khi muốn qua bên kia bờ biển để tiếp tục cuộc hành trình giảng Ðạo, Ngài phải đi nhờ thuyền của một người chài lưới.
           Khi muốn vào thành Giê-ru-sa-lem để tham dự một kì lễ, Ngài phải mượn con lừa của người ta.
            Khi chết, tài sản của Ngài chỉ có hai cái áo trên thân, nhưng bọn lính đã bắt thăm lấy mất một cái. Ngài không có tiền để mua huyệt mả, cho nên người ta phải chôn xác của Ngài trong huyệt mả nhờ của người khác.
            Ngài chỉ có hình dáng một con người bình thường, nhưng lạ lùng thay Ngài có năng quyền trên quy luật thiên nhiên. Tại một tiệc cưới thiếu rượu bất ngờ, Ngài đã biến nước thành rượu để giúp Cô dâu Chú rể khỏi ngỡ ngàng trong ngày vui của họ.
           Một đêm tối kia trong một cơn giông dữ dội, Ngài đã bước đi trên mặt biển đến với các môn đồ của Ngài đang chèo thuyền vất vả và họ rất kinh hãi vì những ngọn sóng biển đang gào thét nhưng Ngài lên tiếng quở gió và biển, chúng phải vâng lịnh Ngài và “yên lặng như tờ.” (Kinh thánh Ma-thi-ơ 8:26)
          Các Bác sĩ dùng thuốc để chữa bịnh; nhưng Ngài chỉ dùng lời phán để chữa lành mọi bịnh tật. Thật lạ lùng! Ngài đã khiến ngày tang chế trở thành ngày vui mừng bằng cách rờ vào quan tài, kêu xác của cậu trai: “Ta biểu ngươi chờ dậy” (Kinh thánh Lu-ca 7:14); cậu đã sống lại và trở về với mẹ của mình. Ngài biến cảnh thương tâm sanh ly tử biệt của gia đình Ma-thê thành cảnh vui mừng sum họp bằng cách gọi anh của Ma-thê là La-xa-rơ sống lại dù người đã chết “bốn ngày rồi.” (Kinh thánh Giăng 11:39)
          Ngài không phải là một nhà bác học, nhưng dù cho sự khôn ngoan cao nhất của con người từ xưa cho đến nay cũng không sao so sánh nổi với sự khôn ngoan kỳ diệu của Ngài. Khi mới 12 tuổi, Ngài đã làm cho rất nhiều nhà thông thái phải bối rối vì những lời đối đáp vô cùng khôn ngoan của Ngài. Nghe lời Ngài giảng dạy, người ta phải ngạc nhiên “vì Ngài dạy như có quyền phép, chớ chẳng phải như các thầy thông giáo.” (Kinh thánh Mác 1:22). Tại vì Ngài là “Ðức Chúa Trời Quyền năng” (Kinh thánh Ê-sai 9:6), có đầy đủ thẩm quyền phán quyết về mọi vấn đề.
         Ngài chẳng hề viết một cuốn sách, nhưng ngày nay, những sách viết về Ngài nhiều cho đến nỗi không có một thư viện to lớn nào trên thế giới có đủ chỗ để chứa hết.
          Ngài không hề sáng tác một bản nhạc hoặc một bài ca, nhưng ngày nay những bài hát ca ngợi Ngài, các bản nhạc chúc tụng Ngài nhiều vô số và đang vang tiếng khắp năm châu!
          Ngài không hề có vũ khí trên tay. Ngài cũng không hề tuyển mộ quân sĩ để thành lập quân đội; nhưng không có một tướng lãnh nào hay bất cứ một lãnh tụ nào có nhiều người bằng lòng tuân lịnh như Ngài, có hằng tỉ người tự nguyện tuân lịnh Ngài, từ hai ngàn năm nay và mãi mãi về sau. Ðặc biệt có rất nhiều người quyết tâm chống trả Ngài; nhưng lạ lùng thay trong số đó, có những người đã tự nguyện chịu đầu phục Ngài. Ngài không chinh phục họ bằng vũ lực; nhưng Ngài đã chinh phục họ bằng tình yêu nhân lành của Ngài, Ngài chịu chết trên thập tự giá để đền tội thay cho họ.
          Cây thập tự vốn là dụng cụ để giết những kẻ tội lỗi xấu xa, cho nên cây thập tự trước kia là biểu tượng của sự ghê tởm và khinh bỉ. Nhưng từ khi Ngài chịu chết trên cây thập tự, thì lạ lùng thay cây thập tự lại trở thành biểu tượng của tình yêu và sự nhơn từ.
         Các đế quốc rồi sẽ sụp đổ. Các đế vương rồi sẽ qua đi. Nhưng Vương quốc của Ngài và chính Ngài sẽ còn lại đời đời. Vua Hê-rốt không giết được Ngài. Ðế quốc La-mã không diệt được Ngài. Mồ mả không cầm giữ được Ngài. Vì Ngài là Ðấng Toàn năng và là Ðấng Toàn thắng!
          Tất cả mọi người đều khuất phục sự chết. Nhưng Ngài đã chiến thắng sự chết, sống lại từ cõi chết bước ra khỏi mồ mả cách khải hoàn. Vì Ngài là Ðấng Hằng Sống.
           Mọi người lìa cuộc đời nầy và được chôn trong nấm mồ chôn ba tấc đất; nhưng Ngài đã thăng thiên về trời, trong lúc đám đông ngơ ngác nhìn theo, vì sự việc nầy quá lạ lùng xảy ra trước mắt họ giữa ban ngày!
Ngài đã từng bị khinh bỉ và bị giết bỏ; nhưng lạ lùng thay hiện nay biết bao đầu gối trên trời và dưới đất thảy đều quỳ xuống trước mặt Ngài và ca tụng Ngài là Chúa Cứu Thế.
           Trước khi trở lại ngôi trời, Ngài có hứa một điều lạ lùng cùng những kẻ tin nhận Ngài rằng: “Ta đi sắm sẵn cho các con một chỗ Ta sẽ trở lại đem các con đi với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các con cũng ở đó.” (Kinh thánh Giăng 14:2-3). Con dân của Ngài sẽ có sự vui mừng trọn vẹn, vì khi Ngài trở lại họ sẽ được sống phước hạnh mãi mãi với Ðấng Lạ Lùng của họ.
                Dù Ngài đã về trời, nhưng những điều lạ lùng về Ngài vẫn xảy ra. Vì Ngài có hứa cùng con dân Ngài rằng: “Ta thường ở cùng các con luôn cho đến tận thế.” (Kinh thánh Ma-thi-ơ 28:20). Từ khi Ngài hứa lời nầy cho đến nay, Ngài luôn luôn ở cùng con dân Ngài qua thân vị Ðức Thánh Linh. Ðế quốc La-mã khi xưa đã bắt bớ đức tin của các con dân Ngài rất khốc liệt nhưng cuối cùng tất cả những nhà lãnh đạo của quốc gia hùng mạnh bậc nhất thời bấy giờ này đã đặt đức tin nơi Ngài.
          Ngài có quyền năng cứu những người đặt đức tin nơi Ngài và biến đổi từng người để họ tốt hơn, phước hạnh hơn và an bình hơn. Có những người uống rượu, hút thuốc rất nhiều, muốn bỏ đi thói quen nầy, nhưng không thể nào bỏ được. Nhưng khi những người nầy tình nguyện tin theo Ngài, Ngài ban cho họ năng lực để bỏ được những thói quen trên.
           Có những người nghiện ma túy dù đã cố cai nghiện nhiều năm nhưng không thành. Ðể giải tỏa cơn nghiện họ không kể cách kiếm tiền phi pháp nào, không cần biết đến việc vi phạm luật pháp nhà nước có thể bị tù tội, miễn là có tiền để mua thuốc là được. Nhưng, khi những người nầy bằng lòng tiếp nhận Ngài và thờ phượng Ngài, thì Ngài ban ơn cho họ trở thành những con người mới hoàn toàn. Họ không muốn làm những việc tội lỗi nữa, trái lại họ ham muốn làm những việc tốt lành, để tôn vinh Danh Ngài. Thật là “Ai ở trong Chúa Cứu Thế Giê-su là con người mới: Cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn mới.” (Kinh thánh II Cô-rinh-tô 5:17 BDY). Sau khi tin nhận Ngài, họ không còn sống trong sự tự do phóng túng nữa, trái lại họ vui mừng sẵn sàng chịu khổ vì Danh Ngài, vì biết rằng những điều khổ đó không thể nào “so sánh với sự vinh hiển hầu đến” (Kinh thánh Rô-ma 8:18) mà Ðấng Lạ Lùng đang để dành cho họ trong cõi vĩnh hằng.
         Còn một điều rất lạ lùng nữa là bất cứ ai đặt đức tin chân thật nơi Ngài thì Ngài sẵn sàng tha thứ tội lỗi của họ. Ngài ban cho họ sự cứu rỗi đời đời và ngay trong đời nầy có đời sống vui vẻ, thỏa lòng cho đến nỗi những người đó khi nhìn lại thời gian tin nhận Ngài đã qua, họ đều cảm tạ ơn Ngài vì cuộc đời họ đã và đang trải qua những ngày tháng thật là phước hạnh lạ lùng!
         Ðấng Lạ Lùng là ai? Kính thưa quý vị, Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-su. Ngài là Con Trẻ đã Giáng sanh tại chuồng chiên máng cỏ cách đây hơn 2.000 năm. Ngài đã từ Nước Trời xuống trần thế, để đem những ai tin nhận Ngài từ trần thế lên Nước Trời.
          Chúng tôi kính mời quý vị tin nhận Ðấng Lạ Lùng làm Chúa Cứu Thế cho chính mình để hưởng được ơn cứu rỗi lạ lùng của Ðức Chúa Trời ban cho những ai tin nhận Ngài.

********************************

LÀM LÀNH LÁNH DỮ

                Một triết gia có lý khi nói rằng: “Con người là một sinh vật mộ đạo.” Hầu như trong tâm người nào cũng nghĩ rằng mình nên tôn thờ “Ðấng Bề Trên” và tin tưởng rằng “Ðấng Bề Trên” muốn mỗi người nên làm lành lánh dữ. Vì vậy ngày nay chúng ta thấy có rất nhiều tôn giáo dạy chúng ta nên làm lành lánh dữ. Lời dạy nầy rất hợp lý và cũng rất hợp với lương tâm con người. Do đó, chúng ta thấy không những các tôn giáo dạy làm lành lánh dữ mà các trường học, ngay cả tiểu học, cũng dạy những bài đức dục làm lành lánh dữ.  Mỗi chúng ta chắc hẳn đều không xa lạ gì với câu “làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ.”
                Cụ Ðồ Chiểu thì tin rằng: “Tu nhơn tích đức sớm sanh con hiền.” (Lục vân Tiên)
                Nhiều người có ý tốt cố gắng làm lành lánh dữ vì nghĩ rằng như vậy là tốt, nhất là tốt cho phần tâm linh của mình. Nhưng người xưa đã dạy rằng: “Chung thân hành thiện, thiện do bất túc, nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư.”[1]  (Tạm dịch là: Cả đời làm lành, lành không đủ, một ngày làm ác, ác đã dư.) Thế thì không biết làm lành bao nhiêu là đủ cho tâm linh, trong khi đó thì tự xét thấy mình không toàn vẹn và có nhiều tội lỗi, vì “nhân vô thập toàn,” còn Kinh Thánh nói loài người có nhiều điều tội lỗi như: “Gian dâm… phù thủy, thù hận, tranh chấp, ganh ghét, giận dữ, tham vọng ích kỷ, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa… và những điều khác giống như vậy.” (Kinh thánh Ga-la-ti 5:19-21)
                Biết rằng tội là không tốt, nên tất cả chúng ta ai cũng cố gắng tránh tội, nhưng không tránh khỏi. Vì trong tâm con người có bản chất tội lỗi, như lời kinh đã nói: “Tâm là nguồn cội ác; hình là rừng ác tội.”[2]  Ông Vua anh minh của người Do Thái là Ða vít thú nhận rằng: “Tôi sinh ra trong giữa đời gian ác, được hoài thai trong tội lỗi.” (Kinh thánh Thi Thiên 51:5 HÐ).
            Bản chất tội lỗi trong tâm con người mạnh kinh khiếp, đến nỗi thánh Phao-lô cũng phải nói lời thất vọng rằng: “Tôi cố ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm cho trọn… Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi.” (Kinh thánh Rô-ma 7:18,21)
          Chính bản thân chúng ta nếu chịu khó bình tâm tự mình nhìn lại cũng thấy rằng có nhiều lần mình vì  nổi nóng, nên buông ra những lời nói hoặc làm điều gì đó quá đáng. Xong rồi ăn năn, tự hứa rằng lần sau mình sẽ không như vậy nữa. Nhưng rồi những lần sau xảy ra, chúng ta cũng lại nổi nóng như  những lần trước!
             Chúng ta được nghe rằng: “Cõi đời là một biển khổ.”[3]   Sở dĩ như vậy là vì “mọi người đều đã phạm tội.” (Kinh thánh Rô-ma 3:23). Nhưng nếu biết đời là một bể khổ rồi chúng ta tự cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi bể khổ thì chúng ta sẽ bị khổ nhiều hơn mà thôi. Tại sao vậy? Vì không có một ai bị rơi giữa biển, không biết bơi mà có thể cố gắng để bơi vào đến bờ cả. Trái lại, càng cố gắng bơi lội, người càng mệt mỏi và rồi cũng sẽ phải chìm trong đáy nước. Trong hoàn cảnh nầy chúng ta cần có Ðấng ở Bên Trên Biển Khổ cứu giúp.
          Ðấng đó chính là Ông Trời - là Ðấng Tạo Hóa đã tạo nên muôn loài vạn vật, trong đó có loài người. Chúng tôi tôn thờ Ðấng Tạo Hóa, và gọi Ngài là Ðức Chúa Trời—Ngài biết rõ tình trạng tuyệt vọng của loài người là vì tội lỗi, nên đã ban Con Một yêu dấu của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-su đến thế gian. Vì yêu nhân loại, Ðức Chúa Giê-su đã bằng lòng lìa khỏi ngôi cao sang, vinh hiển trên Thiên đàng giáng trần để tìm và cứu chúng ta bằng cách chịu chết trên thập tự giá, gánh hình phạt tội lỗi của chúng ta, để chúng ta tin Ngài thì tội lỗi được tha thứ. Khi tội lỗi của chúng ta đã được tha thứ rồi, chúng ta được phục hồi sự sống tâm linh, chúng ta mới có thể được sự thỏa lòng tự do làm lành lánh dữ.
           Kinh Thánh xác nhận: “Ðức Chúa Giê-su Christ đã đến trong thế gia để cứu vớt kẻ có tội.” (Kinh thánh I Ti-mô-thê 1:15).
            Ðây là ơn huệ cứu rỗi lớn lao mà Ðức Chúa Trời bằng lòng ban ra để ân xá cho những ai nhận biết mình là một người không toàn vẹn và biết rằng mình hết sức cố gắng làm lành lánh dữ nhưng vẫn có  phạm những sai trái, tội lỗi. Ðiều mà người có tội cần phải làm là tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su là Cứu Chúa của mình và nhận rằng việc Ngài đã chịu chết trên thập tự giá là đã chết thay cho mình vì tội lỗi của chính mình.
           Có thể có một câu hỏi quan trọng rằng: “Nếu như vậy thì những người bất toàn, tội lỗi, gian ác chỉ cần tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su rồi cứ tiếp tục sống trong con đường tội lỗi của mình phải không? Xin trả lời là: “Không!” Tại sao không? Tại vì Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-su là “quyền phép của Ðức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.” (Kinh thánh Rô-ma 1:16). Cho nên: “Ai ở trong Chúa Cứu Thế Giê-su là con người mới: Cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn mới.” (Kinh thánh II Cô-rinh-tô 5:17 BDY)
           Như vậy, Ðạo của Chúa Cứu Thế Giê-su không những chỉ dạy làm lành lánh dữ,  mà còn là Tin mừng Cứu rỗi của Ðức Chúa Trời ban cho loài người. Cho nên Chúa Cứu Thế Giê-su là Con đường cứu rỗi duy nhất cho những ai đang cố gắng làm lành lánh dữ nhưng biết rằng mình vẫn còn bất toàn và vẫn là một người có tội trước mặt Ðức Chúa Trời Thánh khiết.
            Cả đời làm lành, lành không đủ thì bao giờ việc làm lành của chúng ta sẽ đủ! Chính mình có bao giờ luôn luôn thắng hơn tội lỗi đâu? Nếu có thắng hơn tội lỗi được một vài lần, thế rồi những lần khác thất bại, thua sự cám dỗ mà phạm tội thì tội nầy ai chịu cho chúng ta?
                Kinh thánh quả quyết rằng: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét," (Kinh thánh Hê bơ rơ 9:27). Lúc đối diện sự phán xét, giả sử Ðức Chúa Trời hỏi chúng ta rằng “Lí do nào ta cho con vào Thiên đàng của ta?” thì chúng ta thưa với Ngài ra sao? Thưa Ðức Chúa Trời con là người toàn vẹn, hay thưa Ðức Chúa Trời con là người bất toàn? Thế thì linh hồn chúng ta sẽ về đâu? Xin nhớ rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng Thánh khiết, Ngài không bao giờ dung nhận tội lỗi.
           Xin đừng cậy vào công đức của chính mình nữa vì mỗi chúng ta đều là những con người có bản chất bất toàn và tội lỗi ở trong tâm. Xin hãy trông cậy vào Ðấng Cứu Chuộc là Chúa Cứu Thế Giê-su. Xin hãy đáp lại lời mời gọi của Ngài là: “Hỡi những ai đang mệt nhọc và nặng gánh sầu tư, hãy đến với ta, ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi.” (Kinh thánh Ma-thi-ơ 11:28 BDY). Vòng tay yêu thương của Ngài đang mở rộng để chờ đón quý vị. Ngài như một Người Cha đang mong đợi những đứa con đi lạc trở lại cùng Ngài. Xin hãy trở lại Ðấng Tạo hóa của chúng ta qua Chúa Cứu Thế Giê-su, quý vị sẽ được ở trong sự bình an của Ngài ban cho.
            Quý vị không cần phải cố gắng thêm nữa. quý vị hãy đến vui hưởng ơn tha thứ của Ngài và cầu xin sự cứu rỗi của Ngài. Xin hãy thưa với Ðức Chúa Giê-su rằng: “Lạy Chúa Cứu Thế Giê-su là Ðấng đã chịu chết thay cho con vì những tội lỗi của con. Xin Ðức Chúa Trời tha thứ tội lỗi của con. Xin cho con được làm con của Ngài. Con cám ơn Ngài.” Bởi sự hết lòng tin cậy và cầu nguyện cùng Ðức Chúa Giê-su như vậy, quý vị chắc chắn được Ngài tha thứ những tội lỗi và chính Ngài sẽ ban cho quý vị được tràn ngập bình an trong tâm hồn quý vị. Thật, quý vị có phước biết bao!

PHÚT SUY TƯ

Kinh Thánh chép:
            “Hãy trở lại cùng Chúa Hằng Hữu, Ngài sẽ thương xót cho; hãy đến cùng Ðức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào.” (Kinh thánh Ê-sai 55:7)
            “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Kinh thánh Công vụ các Sứ đồ 4:12)


                     CHÚA ÐÃ ÐẾN

Chúa đến, đêm đời bỗng rạng đông,
Giữa cơn mê muội nắng lên hồng
Yêu thương, hy vọng Ngài đem tới
Phao cứu sinh đây thả giữa dòng.

                Ta lạc bờ mê, thuyền mất hướng
                Sức người hữu hạn, mái chèo buông
                Ngài xoay thuyền lại dòng Thiên-hựu
                Xin trả trần gian bụi dặm trường.

Chúa đến đời lành các vết thương
Thần ca đồng vọng giữa canh trường
Tin Lành truyền xuống bài tôn ngợi
Ơn Trời cứu chuộc rải ngàn phương.

                Tấm lòng mở đón Chúa Bình an
                Tội lỗi Ngài tha phước đổ tràn
                Chúa không chấp vá đời tan nát
                Mà ban sự sống mới từ đây.
                                                                Linh Cương.

********************************

NGUYỄN DU
 
                Tháng 7 năm 1994, người Việt Nam có một tin vui. Ðó là tin “Tìm thấy một bản Truyện Kiều được viết tay từ năm 1894, tại Luân Ðôn.”
                Hầu như tất cả chúng ta đều phải nhận rằng Truyện Kiều là một án văn tuyệt tác trong văn chương Việt Nam. Người viết Truyện Kiều là Ðại văn hào Nguyễn Du, tự là Tố Như. Nguyễn Du đã theo “Truyện Thúy Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân, bên Trung quốc để viết Ðoạn Trường Tân Thanh tức là “Truyện Kiều” ngày nay. Dù vậy, “các nhà phê bình văn học đều cho rằng, Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là một tác phẩm có tính cách sáng tạo.”[4]
                Khi đọc Truyện Kiều, ai cũng phải khen ngợi Nguyễn Du đã viết những dòng thơ tả tình, tả cảnh thật đặc sắc. Nhưng, nếu chúng ta đọc Truyện Kiều chỉ để thưởng thức cái hay tả cảnh, tả tình thì chưa đủ. Tại sao? Tại vì Nguyễn Du vốn đã từng làm quan với nhà Lê, nhưng về sau phải ra làm quan cho nhà Nguyễn. Ðiều này Ông cho là lỗi đạo với nhà Lê. Nên Ông đã viết Truyện Kiều để gởi gấm tâm sự của mình. Ông mượn lời nàng Thúy Kiều để than thở với Nhà Lê: 
                     “Kim Lang ơi! Hỡi Kim Lang! 
                Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
          Ðiều đặc biệt hơn nữa, là khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa ra những quan điểm về niềm tin trong Nho giáo, trong Phật giáo và niềm tin riêng của ông.
          Nho giáo tin vào Trời, tức là Ðức Chúa Trời. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đề cập rất nhiều về niềm tin Nho giáo. Viết Truyện Kiều tới 3.254 câu, thế mà mới viết đến câu số 7, Nguyễn Du đã đề cập đến “Trời”, ông viết:
                                “Lạ gì bỉ sắc thư phong,
                                Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.”
Trong niềm đớn đau, nhìn con phải bán mình chuộc cha, Vương Ông than thở:
                                “Trời làm chi cực bấy Trời!”
Thúy Kiều có khi đã phó thác số phận của mình cho Trời: 
                                “Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
                                Thử xem Con Tạo xoay dần tới đâu?”
Niềm tin vào Trời của Nho giáo đã được Nguyễn Du viết rõ ràng như sau:
                                “Ngẫm hay muôn sự tại Trời,
                                Trời kia đã bắt làm người có thân,
                                Bắt phong trần phải phong trần,
                                Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
                Nho gia tin rằng Trời đã định cho ai số mạng thế nào, thì người đó phải chịu vậy mà thôi. Chính Khổng Tử dạy: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý do Thiên” (Tạm dịch: Chết sống có mạng, giàu sang nhờ  Trời).
                Nếu chúng ta để ý sẽ thấy Nguyễn Du không những đề cập đến Nho giáo mà Ông cũng đề cậïp đến Phật giáo nữa: “Rỉ rằng: Nhân quả dở dang.” Nhân quả là một giáo lý rất quan trọng của Phật giáo. Nguyễn Du giảng giải thêm rằng: 
                                “Kiếp xưa đã vụng đường tu,
                                Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi.”
                Dần về cuối truyện, niềm tin của Phật giáo được Nguyễn Du diễn đạt rõ ràng hơn nữa, như: 
                                “Ðã mang lấy nghiệp vào thân,
                                Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa,
                                Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
                Nghiệp là gì? Phật giáo tin rằng “nghiệp do mình, tự nơi mình gây ra, không có Ông Trời ở trong cái NGHIỆP. Mình gây ra ‘cái nghiệp’ thì mình chịu kết quả và ảnh hưởng của nghiệp ấy... Nhà Phật chủ trương nghiệp báo; không công nhận mệnh Trời.”[5] 
                Nho giáo dạy đệ tử tin vào Trời. Phật giáo dạy phật tử tin vào chính mình. Ðức Phật dạy rằng:  “Tội lỗi do tâm của người tạo ra, không ai có quyền thưởng phạt được.”[6]   Vì “Nghiệp lực do tâm tạo, nghiệp lực cũng do tâm hủy diệt. Tự chính mình tạo lấy, rồi tự chính mình hủy diệt. Không có một vị Thần Linh nào có quyền hủy hoại hoặc ban phước cho ai cả.”[7]   Cho nên Hòa Thượng Thích Thanh Từ viết: “Hạnh phúc hay đau khổ do mình chủ động trọn vẹn, chớ không do ai khác, ngay Phật, Trời cũng không dự phần trong đó.”[8]   Vị Hòa Thượng dạy thêm rằng: “Ðừng bao giờ xem Ðức Phật đủ cả quyền năng ban phúc, giáng họa. Cũng không nên ỷ lại, gởi gắm cả cuộc đời mình vào quyền năng của Ngài. Nếu có tư cách đó là phản bội Ðức Phật và cũng không phải là người Phật tử.”[9] 
           Như vậy, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đề cập đến “Thiên mệnh” của Ðạo Nho và “cái Nghiệp” của Ðạo Phật.
                Ngoài ra, Nguyễn Du còn nói đến một niềm tin của riêng Ông. Ông viết:
                                “Có Trời mà cũng tại ta.”
                Ðiều này, Nguyễn Du đã đi đến niềm tin giống như niềm tin trong Ðạo của Chúa Cứu Thế Giê-su. Chúa Cứu Thế Giê-su đã dạy: “Vì Ðức Chúa Trời yêu thương nhân loại, đến nỗi đã ban cho họ Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Ðấng ấy không bị hư vong, nhưng được sự sống vĩnh phúc.” (Kinh thánh Giăng 3:16) - Sống vĩnh phúc là sẽ được sống ở Thiên Ðàng với Chúa Cứu Thế Giê-su mãi mãi. Trong câu này có hai điểm chính: (a) Ðức Chúa Trời tức là “Trời”; (b) hễ ai, nghĩa là “bất cứ ai trong chúng ta.”
                (A) Khi Nguyễn Du nói “Có Trời.” Ông đã nói đúng vào điều quan trọng trong Ðạo Chúa. Ðạo Chúa nói rõ là “Trời” đã yêu thương nhân loại. Nhìn vào nhân loại, ai cũng thấy đầy dẫy tội lỗi như: “Gian ác, hiểm độc, nói xấu, phao vu, ghét Ðức Chúa Trời, xấc láo, kiêu căng, khoác lác, ưa tìm cách làm ác mới mẻ, nghịch cha mẹ, không phân biệt thiện ác, bội ước, không tình nghĩa không thương xót.” (Kinh thánh Rô-ma 1:29-31. BDY). Dù nhân loại tội lỗi như vậy, nhưng Ðức Chúa Trời cũng thương yêu nên đã bằng lòng ban xuống cho nhân loại Con Một của Ngài, là Chúa Cứu Thế Giê-su, là Ðấng đã đến trần gian và đã chịu khổ hình trên cây thập tự - dù Ngài vô tội - để chịu hình phạt thay cho những người biết mình có tội bằng lòng tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình.
                (B) Khi Nguyễn Du nói  cũng “tại ta.” thì Ông đã nói đúng vào điều quan trọng nữa ở trong Ðạo của Chúa. Ðó là ta có nhận được sự sống vĩnh phúc hay không là "tại ta" có chịu tin “Ðấng ấy” tức là tin Ðức Chúa Giê-su là Ðấng vô tội, “chịu chết vì tội chúng ta”[10]  hay không? Ta phải tin. Tại sao? Vì dù Chúa Cứu Thế Giê-su đã hoàn tất chương trình cứu rỗi nhân loại mà Ðức Chúa Trời đã hoạch định để cứu loài người, nhưng không phải vì vậy mà tất cả nhân loại đều được cứu. Chỉ có ai chịu tin mới được cứu. Sự cứu rỗi phải có ở hai phía: Một bên là do Ðức Chúa Trời, một bên là do loài người.
              (a) Bên phía Ðức Chúa Trời, là “Trời.” Ngài đã hoàn tất điều Ngài cần phải làm, là Con Ngài đã đến thế gian và chịu chết thay cho tội nhân trên cây thập tự.
                (b) Bên phía loài người là ‘ta.’ ‘Ta’ phải tin nhận Ðức Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình chính. Thánh Kinh dạy rõ: “Ấy là nhờ ân điển và đức tin mà anh em được cứu.” (Kinh thánh Ê-phê-sô 2:8). Ân điển hay ân huệ là do “Trời”, còn lòng tin là do chính “ta.” Ðức Chúa Trời tôn trọng sự tự do của chúng ta. Ngài bằng lòng cho chúng ta được tùy ý quyết định. Ðiều chúng ta phải nhớ là "Hễ ai tin Con Ấy mới  được sự sống vĩnh phước." Vì vậy, chúng ta có thể nói như Nguyễn Du đã nói: “Có Trời mà cũng tại ta.”
                Thưa Quý Ðộc giả thân mến, trong tình yêu cao quý của Ðức Chúa Trời, chúng tôi thiết tha kính mời quý vị hãy thực hiện điều quý vị cần nên làm. Ðiều đó là quý vị hãy tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Cứu Chúa của chính quý vị. Xin đừng từ chối Chúa Cứu Thế Giê-su vì Ngài đã hy sinh để chuộc tội cho chính quý vị. Chúa đang mời gọi quý vị rằng: “Ta là cái cửa, ai vào cửa này sẽ được cứu rỗi.” (Phúc âm Giăng 10:9BDY). Hiện nay có hàng tỷ người đã bằng lòng bước vào “Cửa cứu rỗi GIÊ-SU”. Ðức Chúa Giê-su đang dành sẵn nơi ở vĩnh cửu là Thiên Quốc vinh hiển của Ngài cho quý vị, ngay khi quý vị bằng lòng tiếp nhận Ngài, chịu làm con dân của Ngài. Như chính Ngài đã phán: "Kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu." (Phúc âm Giăng 6:37).
                Chúng tôi ước ao được gặp quý vị nơi Thiên Quốc phước hạnh. Cầu xin Ðức Chúa Trời Từ Ái thăm viếng và ban phước lành cho quý vị.

PHÚT SUY TƯ
“Trong những ngày của đời hư không mà loài người trải qua như bóng, ai biết điều gì là ích cho mình? Vì ai có thể nói trước cho người nào về điều sẽ xảy ra sau mình dưới mặt trời?” (Kinh thánh Sách Truyền Ðạo 6:12).

SIÊU CA
*******
Ðẩy xa ngày tháng cơ cầu
Vung tay ta đập khối sầu mênh mông
Thời gian dù mấy mùa Ðông
Lửa Thần vẫn ấm cho lòng vô tư

Cho quên nghìn chuyện oán cừu
Bưng tai thế sự, mắt mù hư sinh.
Khổ đau ừ cũng thường tình
Ðường vào vĩnh cửu Thánh Linh dắt dìu

Cõi trần ngang trái bao nhiêu
Nhìn cây Thập Tự chẳng điều thở than.
Ðịa cầu rồi cháy tiêu tan
Xác hoàn bụi đất, hồn sang cõi trời

Thả buồn theo nước dòng xuôi
Trong tay Cứu Chúa cuộc đời trọn giao
Xây lưng quá khứ biệt chào
Siêu ca một khúc cất cao bạt ngàn.
                                                                                                 Linh cương.

*****************************************

MÙA XUÂN
 
                Hằng năm, những ngày đầu Xuân thường rất đẹp, hoa nở, lá tươi thi nhau dệt nên khung cảnh nên thơ trải dài xa mãi tận vùng quê nước Việt. Nguyễn Du  ngắm cảnh Xuân rồi ngâm nga rằng:
                                “Cỏ non xanh rợn chân trời,
                Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.” (Truyện Kiều).
                Còn Minh Kỳ và Lê Dinh thì vui Xuân với lời ca: “Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng.” Nếu có ai hỏi tại sao hoa lá nở mà lại đẹp làn môi hồng? Hai người nói tiếp: “Xuân  đến rồi đây nào ai có biết không?” À, thì ra khi hoa lá nở mà làn môi hồng của nàng trở nên đẹp là vì Xuân đến! Xuân đến đem theo “những hoài mong đi vào ngày tháng. Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang.”
                Xuân sang người ta thường mơ ước, nhưng mơ ước gì? Mơ Xuân đẹp. Mơ năm mới đẹp. Mơ sức khoẻ tốt. Mơ làm ăn thịnh vượng. Mơ học hành thi cử đỗ đạt. Ai nấy ấp ủ giấc mơ Xuân! Không những thế mà nhiều người quyết tâm tận hưởng Xuân.
                Tại Việt Nam có nhiều cách hưởng Xuân. Ngày nay, nhiều người lái xe đi du lịch từ Tỉnh này sang Tỉnh khác. Dù đi xa có mệt, nhưng thật là lý thú. Việt Nam có nhiều phong cảnh rất đẹp! Có nhiều loại lá cây tươi thắm thi sắc khoe màu với những bông hoa sặc sỡ. Rất nhiều cảnh đẹp ở Hà Tiên, Phú Quốc, Vũng Tàu, Ðà lạt, Nha Trang, Huế, Hải phòng, Vịnh Hạ Long… xem không chán mắt.
                Ngày Tết, Xuân về họ hàng thân thích tụ họp nhau lại chuyện trò vui như pháo nổ! Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện xưa, chuyện nay ôn lại, nhiều khi vui, cười ra nước mắt!  Các bạn thanh niên nhân dịp nghỉ ngơi, có khi tổ chức những bữa tiệc, cùng bạn bè để tìm cái thú:
                                “Ðất tưởng ghồ ghề, đi sệnh soạng,
                                Nhà ngờ xiêu vẹo, chống loay hoay.” 
                                                           (Thi sĩ Chiêu Dương)
            Vài người khác thử thời vận đỏ, đen ở sòng bài canh bạc. Không biết bao nhiêu kẻ thắng người bại.  Giây phút vui Xuân trong bạc bài đó, không rõ giá phải trả cho nó là bao nhiêu?  Và nhiều trò vui khác nữa. Nhưng rồi Xuân sẽ qua. Cuộc vui nào cũng sẽ hết. Dẫu cho:
                                “Thương dấu Xuân tàn, nghiêng giỏ hốt.”
                             Thì cũng: “Xuân hết, đào phai lá rụng rồi.” 
                                                                   (Thi sĩ J. Leiba)
         Sau mấy ngày vui vẻ với Xuân, bây giờ trở lại với sở làm, với những bận rộn, với những khó khăn trong gia đình và ngoài xã hội. Ðôi khi không biết phải giải quyết ra sao? Lòng thật buồn, khó biết tâm sự cùng ai?
          Chúng ta nghe nói: “Ðời là biển khổ”. Tại sao có cái “biển khổ” nầy? Tại vì “mọi người đều đã phạm tội.” (Kinh thánh Rô ma 3:23). Kinh Thánh ghi lại khi thủy tổ loài người là Ông A-đam phạm tội, Ðức Chúa Trời phán cùng Ông rằng: “Ðất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn...Ðất sẽ sanh chông gai và cây tật lê,... cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” (Kinh thánh Sáng thế ký 3:17-19).
          Vì tội lỗi loài người: “Toàn thể tạo vật đều than thở và chịu quằn quại  cho đến ngày nay.” (Kinh thánh Rô-ma 8:22). Còn loài người thì bị bản án rằng: "Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết." (Kinh thánh Ê xê chi ên 18:4b). Vì công giá để trả cho “tội lỗi là sự chết.” (Kinh thánh Rô-ma 6:23).
             Ðây là lý do chính dù con người có vui Xuân, mừng Xuân, rồi sau đó niềm vui Xuân qua đi, thì nỗi buồn trở lại. Muốn có niềm vui lâu dài chúng ta phải nhờ cậy Ðấng tạo nên mùa Xuân. Ngài là Chúa Xuân. Ngài có năng quyền ban cho chúng ta phước hạnh trở nên niềm vui như mùa Xuân mãi trong lòng bằng cách là Ngài giải quyết cho chúng ta thoát khỏi bản án hình tội lỗi của chúng ta. Ngài đã dùng sinh mạng của chính Ngài chịu chết thay cho chúng ta để làm giá chuộc tội cho mỗi chúng ta để đem chúng ta thoát cảnh khổ đang đắm mình trong “biển khổ” đời này.
           Nhiều người tin rằng nếu tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su thì khi nhắm mắt tắt hơi linh hồn mình sẽ được cứu rỗi, thoát khỏi Hỏa ngục đời đời kinh khiếp và được hưởng phước trong Nước Trời. Niềm tin này đúng nhưng không đủ. Vì không những được như vậy, mà ngay bây giờ ai tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Cứu Chúa, thì Ngài cứu họ khỏi xiềng xích ràng buộc của tội lỗi, và nhất là khỏi cuộc sống lo âu buồn thảm xảy ra mỗi ngày. Như chính Ngài phán rằng: “Ta đã đến để chiên ta được sự sống, và sự sống sung mãn.” (Phúc âm Giăng 10:10b). Do đó, trong Chúa Cứu Thế Giê-su con dân Ngài có đời sống sung mãn, vui vẻ, thỏa lòng, và nhất là được tương giao với Ðức Chúa Trời là Nguồn Phước mỗi ngày, chớ không phải chịu đựng một đời sống lo âu, phiền muộn từ ngày này qua ngày khác.
             Mùa Xuân này quý vị muốn có đời sống thỏa lòng, tốt lành không? Quý vị muốn có đời sống sung mãn, dồi dào, vui thỏa, đến nỗi luôn luôn muốn chia xẻ, muốn giúp đỡ những người khác để họ cũng có đời sống tốt lành như  quý vị không? Xin hãy đến với Chúa Cứu Thế Giê-su. Ngài là Nguồn Phước hạnh, Ngài sẵn sàng ban cho quý vị đời sống vui thỏa như Mùa Xuân luôn luôn ở trong tâm hồn để “tuôn tràn mãi mãi sức sống vĩnh cửu” (Phúc âm Giăng 4:14).
             Kính chúc quý vị không những được vui thỏa trong mùa Xuân này, mà sẽ được vui thỏa suốt cả đời sống của quý vị cho đến mãi mãi về sau, trên đời nầy và đời đời trong Vương Quốc vinh hiển của Đức Chúa Trời trong Danh Chúa Cứu Thế Giê-su.

Ý XUÂN
Ðã một lần ra khỏi vũng đời
Nỗi buồn vô vọng biến mù khơi
Tôi đi bên Chúa lòng thanh thản
Chỉ thấy mùa Xuân đẹp tuyệt vời.
Bỏ hết sau lưng những tháng ngày
Tràn đầy lo sợ lẫn sầu cay
Tin yêu Cứu Chúa, nguồn hy vọng
Hiện tại tương lai Chúa sắp bày.
Chúa vẫn bên tôi ngự trị đời
Như vầng trăng bạc tỏa nơi nơi
Như sông tưới mát đồng khô hạn
Như mặt trời cao chiếu rạng ngời.
Tình Chúa bao la phủ ngập hồn
Niềm vui vang tiếng giữa hoàng hôn
Ðông sầu, Thu quạnh, Hè nung cháy
Vẫn thấy là Xuân, vẫn nắng vờn.
Mạch sống tâm thân chuyển mạnh dần
Nhịp cùng cây cỏ buổi sang Xuân
Ý Xuân gọi thức niềm thâm cảm
Vạn tạ ơn Ngài Chúa chí nhân.
                                                                                              Linh Cương.

***************************************

ÐIỀU PHƯỚC VÔ CÙNG
(Bài làm chứng của Bà Nguyễn Thị Ðược)
                Tôi được sanh ra trong một gia đình thờ cúng Ông Bà. Cha mẹ tôi chỉ sanh hai chị em chúng tôi. Sau khi học Trung học, tôi được đi học về hộ sinh trong ngành y tế.
Trong lúc theo học ngành này, tôi có dịp ở gần các Dì Phước, đạo Thiên Chúa. Các Dì Phước rất siêng năng đọc kinh mỗi buổi sáng. Tôi rất khâm phục lòng tôn kính Chúa của họ. Các Dì Phước rất thương mến tôi và thường mời tôi đi Lễ. Tôi đi với các Dì Phước để đọc Kinh. Dần dần tôi thuộc mấy bài Kinh đọc buổi sáng. Dù rất cảm tình với các Dì Phước, nhưng tôi đã phải xa họ khi tôi học xong chương trình huấn luyện hộ sinh.
          Xa các Dì Phước, nhưng tôi vẫn còn thuộc mấy bài Kinh. Lòng tôi luôn luôn suy nghĩ về tôn giáo. Tôi thường thưa chuyện với những người lớn tuổi về tôn giáo, nhất là với những Cô Bác hiền lành đạo đức. Tôi được quý Cô Bác đó dạy rằng Ðạo nào cũng tốt. Các Bác còn nói thêm: “Nhơn hư chớ Ðạo bất hư.” Ý của các Bác nói rằng chỉ có những người theo Ðạo làm chuyện sai quấy, chớ Ðạo không hề dạy họ làm những chuyện sai quấy. Tôi nghĩ các Bác nói có lý.
            Tôi phục vụ trong ngành y tế. Chiến tranh ở Việt nam càng ngày càng dữ dội hơn. Ðồng tiền mất giá. Chồng tôi là một công chức ở tỉnh. Với số tiền lương dù của cả hai vợ chồng, chúng tôi đã phải chật vật vô cùng để nuôi dưỡng mấy đứa con. Do đó, tôi nghỉ ngành hộ sinh và xin môn bài bán nước giải khát. Tôi đặt tên cửa tiệm là “Tân Lợi” ở Sóc Trăng. Nhờ Trời cho, việc mua bán khá, tôi kiếm lời có dư chút đỉnh giúp cho việc chi dụng trong gia đình. Nhờ đó việc nuôi dưỡng các con của chúng tôi có phần dễ dàng hơn trước. Nhưng việc buôn bán quá bận rộn, tôi không có thì giờ để suy nghĩ về tôn giáo nữa. Tôi chỉ thờ cúng Ông Bà và thường khấn vái, xin Ông Bà độ trì cho vợ chồng tôi và các con tôi được mạnh khỏe bình an.
          Biến cố 1975 xảy ra. Vận nước đổi thay. Người dân mỗi người một ngả. Hoàn cảnh khiến xui, tôi định cư ở Úc. Tôi là người Việt Nam, đầu đen da vàng. Nhìn người Úc da trắng mũi cao, tôi không khỏi lo lắng bị kỳ thị vì tôi có nghe như vậy khi còn ở Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ: dù sao tôi cũng phải cố gắng học tiếng Anh, để có thể chào hỏi một hai câu bằng Anh ngữ. Nhưng thật là khó, vì tôi không có bằng lái xe và cũng không có tiền mua xe thì làm sao đi học? May quá, khi đang lo như vậy thì có người chị bạn rủ tôi đi học. Chị ấy nói là tại Hội Thánh Tin Lành, Mục sư Thành có mở lớp dạy Anh văn miễn phí và có xe đưa rước tận nhà. Tôi đã ghi tên đi học vào đầu năm 1991.
         Cuối năm 1991, chẳng may tôi bị vấp té, chân không thể bước đi. Tôi đã phải vào nhà thương để được điều trị khoảng 10 ngày. Tại nhà thương, từ Bác sĩ, cô y tá, đến các lao công đều là người Úc. Tôi nghĩ trong lòng: “Có thể mình sẽ bị kỳ thị ở đây.” Nhưng lạ thay, mấy ngày trôi qua, tôi thấy họ không những không kỳ thị tôi mà họ lại thương mến tôi. Họ dạy Anh văn cho tôi và họ cũng dạy tôi hát. Nhờ đó tôi đã thuộc bài: “There is nothing too hard to the Lord.” (Không có gì khó quá đối với Ðức Chúa Trời). Họ nói với tôi rằng họ là người có đạo, họ làm theo lời Chúa Giê-su dạy: “Trên hết là kính Chúa; và kế đến là yêu thương những người chung quanh.”
           Rời nhà thương về nhà, tôi bắt đầu đi học Anh văn trở lại. Mỗi tuần, tại nhà thờ, chỗ tôi học Anh văn, có Lễ Thờ Phượng Chúa mỗi sáng Chúa Nhật. Ông Mục sư mời tôi đi dự Lễ để có dịp tìm hiểu thêm về Ðạo Tin Lành của Chúa Giê-su. Tôi đồng ý. Vì tôi tự nghĩ rằng: “Ðạo nào cũng tốt, đạo Tin Lành chắc là cũng dạy ‘làm lành lánh dữ,’ mình có đến nghe giảng thì cũng tốt mà thôi.” Từ lúc đó Ông Mục sư rước tôi đi nhà thờ mỗi tuần, ít khi tôi vắng mặt. Sau khi đi nhà thờ chừng gần hai năm, suy nghĩ lại những điều đã nghe về Ðạo của Chúa Giê-su, tôi nhận thấy dù tôi có nghe giảng về việc nên “làm lành lánh dữ,” nhưng đó không phải giáo lý chính yếu trong Ðạo của Chúa Giê-su.
            Ðiều chính yếu là Ðức Chúa Giê-su là Ðấng vộ tội đã bằng lòng hy sinh, chịu đóng đinh trên cây thập tự,  huyết của Ngài đã đổ ra cho đến chết để đền tội thay cho tội nhơn. Sau khi thân xác bị chôn ba ngày, Ðức Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại. Ðức Chúa Trời là Cha của Ngài bằng lòng ban ân huệ cho những ai nhận tội mình và tin nhận Ngài đã chịu chết trên thập tự giá là chết thay cho chính mình, người đó được Ðức Chúa Trời tha tội và được cứu rỗi. Ðiều nầy thật là mới mẻ đối với tôi. Vì tôi thường nghe tôn giáo dạy làm lành, lánh dữ; chớ tôi chưa hề nghe Vị Giáo chủ nào yêu thương tội nhơn đến nỗi chịu chết thay cho tội nhơn, rồi sống lại để nhờ đó tội nhơn được tha thứ tội lỗi và được bảo đảm sự cứu rỗi.
          Nghĩ lại, tôi nhận thấy rằng tôi là một tội nhơn  trước mặt Ðức Chúa Trời. Vì tự đáy lòng, tôi biết rằng tôi là một con người bất toàn, có nhiều lỗi lầm với Ðức Chúa Trời và với nhiều người chung quanh. Dù có cố gắng “làm lành lánh dữ,” nhưng tôi không biết “làm lành lánh dữ” như vậy có đủ hay không? Thế nào là đủ? Chắc chắn là không đủ! Rồi tôi tự nghĩ: “Không đủ thì hậu quả số phận con người tội lỗi của tôi sẽ ra sao, khi phải ứng hầu trước mặt Ðức Chúa Trời? Ngài là Ðấng Thánh Khiết đâu có nhận người tội lỗi vào ở trong Thiên đàng vinh hiển của Ngài; mà nếu không được ở Thiên Ðàng của Ngài thì tôi sẽ ở đâu?” Nghĩ như vậy tôi thấy lo sợ cho số phận đời sau của mình. Tôi thấy cần phải được Ðức Chúa Trời tha thứ, cho nên tôi quyết định không trông cậy vào sự cố gắng làm lành lánh dữ của tôi  nữa. Bây giờ tôi phải trông cậy vào sự chết thế cho tội nhơn của Chúa Cứu Thế Giê-su. Tôi cầu nguyện với Ðức Chúa Trời xin tin nhận Chúa Giê-su là Ðấng vô tội đã chết thay cho tôi và xin Ðức Chúa Trời tha thứ những lỗi lầm của tôi. Tạ ơn Ðức Chúa Trời, Ngài đã nhậm lời cầu khẩn xin tha thứ của tôi. Vì trong Kinh Thánh, Chúa có hứa với tôi rằng: “Hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban quyền phép trở nên con cái của Ðức Chúa Trời.” (Phúc âm Giăng 1:12),“huyết của Ðức Chúa Giê-su, Con Ngài, tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta.” (Kinh thánh I Giăng 1:7b)
         Ðiều tôi khẩn nguyện hôm nay là xin Thánh Linh Ðức Chúa Trời dẫn dắt tôi theo Ngài cho đến hết cuộc đời còn lại của tôi, để sau khi qua đời, tôi khỏi bị hình phạt và được Chúa Cứu Thế Giê-su cứu rỗi, cho tôi được ở cùng Ngài như Ngài đã hứa: “Ta ở đâu thì các con cũng ở đó.” (Phúc âm Giăng 14:3).  
                                                                                 Bà Nguyễn Thị Được.

PHÚT SUY TƯ
                “Hãy tin Ðức Chúa Giê-su, thì ngươi và cả nhà ngươi đều sẽ được cứu rỗi.” (Kinh thánh Công vụ 16:31).
                “Kính sợ Chúa Hằng Hữu là khởi điểm khôn ngoan; Hiểu biết Ðấng Thánh, ấy cội nguồn tri thức.” (Kinh thánh Châm ngôn 9:10 BDY).

Kính thưa quý vị,
                Sau khi đọc những bài viết trên, chắc hẳn trong tấm lòng của quý vị cũng đã nhận biết được có một Ðấng Lạ Lùng – đó chính là Chúa Cứu Thế Giê-su – luôn yêu thương quý vị và mong muốn cuộc đời quý vị hưởng được ơn cứu rỗi từ nơi Ngài để có một cuộc sống sung mãn, thỏa lòng và luôn luôn vui vẻ trong Ngài. Vì vậy, giờ này đây chúng tôi kính mời quý vị hãy tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Cứu Chúa của mình. Muốn vậy, xin quý vị chân thành cầu nguyện như sau: “Kính lạy Ðức Chúa Trời, con là người bất toàn, có nhiều tội lỗi với Ngài. Nay con xin ăn năn và tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su là Ðấng Vô tội đã chịu chết trên thập giá vì tội của con. Xin Ðức Chúa Trời tha tội cho con và nhận con làm con của Ngài. Xin Chúa Thánh Linh dẫn con theo Chúa. Con cảm tạ ơn Ngài. Con cầu xin trong Danh Ðức Chúa Giê-su. A-men.”
                Sau đó xin mời quý vị tìm đến một nhà thờ Tin Lành gặp vị Mục sư ở đó để hỏi thêm về ơn cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-su.
                Cầu xin Ðức Chúa Trời ban phước cho quý vị được nhiều sức khỏe và bình an luôn.
                                                                                                  
Mục sư Trần Hữu Thành
msthanh18@hotmail.com

Ðịa chỉ Nhà thờ Tin Lành gần nơi ở của Quý vị:
_____________________________________
_____________________________________
_____________________________________
_____________________________________


[1] Minh Tâm Bảo Giám. Trang 15.
2 Phật Giáo Kinh. Trang 262.
3 Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. PHẬT HỌC PHỔ THÔNG. KHÓA I & II. Trang 114.
[4]  Hồ Đình Chữ. BÁO VIỆT LUẬN. Ngày 4/3/94. Trang 55.
[5]  Vân Hạc Văn Hòe. CHUYỆN KIỀU CHÚ GIẢI. Trang 599.
[6] Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. PHẬT HỌC PHỔ THÔNG. KHÓA I & II. Trang 114.
[7] Tỳ Kheo Thích Phước Nhơn. Ý NGHĨA QUY Y VÀ THỌ GIỚI. Trang 82.
[8] Hòa Thượng Thích Thanh Từ. NGHIỆP DẪN LUÂN HỒI TRONG LỤC ĐẠO.  Trang 7.
[9] Hòa Thượng Thích Thanh Từ. PHẬT GIÁO VỚI DÂN TỘC. Trang 113.
[10] Kinh Thánh, 1 Cô rinh tô 15:3b.