Bà Henri Bonnet, vợ vị Đại sứ Pháp ở Mỹ, một hôm tổ chức bữa tiệc khoản
đãi các chính khách quốc tế. Dĩ nhiên thực đơn của bữa tiệc ấy là hết
sức cầu kỳ. Đặc biệt có một món ăn lạ: bánh phồng nấm, một thứ nấm quí
được gởi bằng máy bay từ Pháp sang. Khi bắt đầu nấu, người Bếp trưởng
ngửi thấy có mùi lạ, bà Bonnet liền lấy một miếng cho con chó của bà ăn
thử. Chó ăn có vẻ ngon lành và thích thú lắm.
Đến bữa ăn, các quan khách đều khen món bánh phồng nấm vừa
lạ, vừa ngon. Nhưng đến lúc ăn tráng miệng, một người trong gia đình đến
nói nhỏ vào tai bà Bonnet: “Con chó chết rồi.” Bà Bonnet vẫn giữ vẻ
điềm tĩnh, quay sang khẽ nói với ông Đại sứ: “Con chó chết rồi.” Ông lập
tức vào phòng gọi điện thoại mời một bác sĩ đến. Bác sĩ liền cho mỗi
người một viên thuốc giải độc Ipéca. Trong lúc các quan khách đang nôn
mửa ra hết thức ăn, bà hỏi người nhà:
- Trước khi chết, chó có giãy giụa không?
- Thưa không.
- Nhưng ít nhất nó cũng kêu la thảm thiết chứ?
- Thưa bà, không kịp kêu ạ, nó vừa chạy ra thì chiếc xe tải chạy tới cán chết tức thì.
- !!!
Ngay cả một tình huống quan trọng như trên mà vẫn còn có thể
ngộ nhận đến buồn cười, thế thì hằng ngày chắc sẽ có nhiều điều chúng
ta nghe và hiểu lầm trong khi chuyện trò với nhau. Có những điều nghe
lầm không đáng kể, nhưng cũng có những sự việc đem lại ảnh hưởng lớn.
Trong gia đình, mỗi khi có sự nghe nhầm, hiểu nhầm, thì nên giải thích
với nhau một cách rõ ràng trong sự mềm mỏng, vì ai cũng có lúc nhầm lẫn.
Hãy lưu ý, những gì ta đang quan tâm không phải là cái người khác đang
quan tâm, suy nghĩ của họ không phải là suy nghĩ của ta, nên khi thảo
luận hoặc trình bày một việc gì, cần tách bạch, rõ ràng, tránh tối đa
những ngộ nhận.
"Đoạn Ngài gọi đoàn dân đến, mà phán rằng: Hãy nghe, và hiểu.” (Ma-thi-ơ 15:10)
“Vậy, hãy coi chừng về cách các ngươi nghe.” (Lu-ca 8:18a).Sưu tầm