Sau
vài tuần lễ, một hôm đứa bé lại đến và quỳ cầu nguyện lâu hơn thường
lệ. Vị mục sư nghĩ chắc có chuyện không lành. Để bày tỏ sự quan tâm của
mình, ông hỏi tại sao hôm nay nó lại dành nhiều thì giờ để trò chuyện
với Chúa hơn những ngày trước đây. Đứa bé trả lời: “Mỗi ngày con đều đến
đây vài phút để cầu xin Chúa dẫn dắt cha con trở về nhà bình an. Sáng
nay cha con đã trở về, nên con vội đến đây để cám ơn Chúa vì Ngài đã
nhậm lời cầu xin của con, trong niềm vui nầy, con muốn nói với Chúa
nhiều hơn mọi ngày.”
Sự
cảm tạ phải là một phần trong mối thông công với Đức Chúa Trời. Cơ Đốc
nhân sẽ trưởng thành khi có nhiều kinh nghiệm trong sự cảm tạ Chúa. Đôi
lúc ta khẩn thiết cầu xin về một nan đề, và khi đã được đáp ứng, ta còn
quên cảm tạ Ngài thay, huống chi lúc ta triền miên trong khốn khó và bất
hạnh thì làm sao ta có thể nói lên lời cảm tạ? Sự cầu nguyện của nhiều
người dường như chỉ toàn là những lời xin, mà rất ít sự ngợi khen và bày
tỏ lòng biết ơn. Nhiều người xem Chúa như một vị thần chỉ để giải quyết
những khó khăn khẩn cấp. Và khi mọi việc dường như có vẻ êm xuôi thì
lại lãng quên Ngài. Chúa không giàu thêm khi chúng ta biết ơn hoặc nghèo
đi khi chúng ta vô ơn, nhưng lòng biết ơn Ngài trước hết là lợi ích cho
đức hạnh của chúng ta, là nền tảng cho sự khiêm nhường, là sự khích lệ
cho lòng tin cậy.
Trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18a, Phao-lô khuyên: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa.” Dù đó là điều tốt hay xấu, may mắn hay rủi ro, thành công hay thất bại, đều nằm trong kế hoạch tốt nhất của Ngài dành cho ta.
"Hãy ngợi khen Đức Giê hô va, vì Ngài là thiện; sự nhơn từ Ngài còn đến đời đời." (Thi thiên 107:1). Nguồn: Dương Quang Thoại.